Liệu pháp miễn dịch là bước tiến mới trong điều trị ung thư, giúp kích hoạt lại hệ thống miễn dịch nhằm gia tăng khả năng tìm và tiêu diệt tế bào ác tính, ít tác dụng phụ so với hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư là phương pháp đưa các chất giống thành phần của hệ thống miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm vào cơ thể nhằm tăng cường hoặc thay đổi cách hệ thống miễn dịch hoạt động, giúp phát hiện, tấn công tế bào lạ, nguy hiểm.
Hệ thống miễn dịch tự nhiên phân bổ khắp cơ thể, bảo vệ cơ thể khỏi virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, tế bào ung thư… Khi tế bào lạ xuất hiện, bất kể lành tính hay ác tính, hệ thống miễn dịch nhận ra và phát động tấn công chúng. Tuy nhiên, hệ thống miễn dịch có những giới hạn nhất định: phát hiện được tế bào ung thư nhưng phản ứng không đủ mạnh; không nhận diện được tế bào ung thư do bị khóa chức năng nhận diện tế bào lạ… Khi hệ miễn dịch suy yếu, tế bào ung thư càng dễ trốn thoát và phát triển mạnh.
Đồng thời các tế bào ung thư có khả năng bất hoạt tạm thời hệ thống miễn dịch, tiết ra chất vượt qua sự kiểm soát hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tìm và tấn công chúng. Nhiều trường hợp người bệnh có hệ miễn dịch khỏe mạnh nhưng tế bào ung thư vẫn phát triển.
Do đó, các nhà nghiên cứu liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư tìm cách giúp hệ thống miễn dịch tự nhiên sớm nhận ra các tế bào ung thư và tăng khả năng phản ứng để tấn công tiêu diệt chúng. Liệu pháp miễn dịch là đột phá trong điều trị ung thư, bởi tăng tỷ lệ sống sót và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Chẳng hạn, với ung thư phổi không phải tế bào nhỏ tiến triển – khối u lan rộng, di căn đến phổi đối bên hoặc các cơ quan xa. Một nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa New England năm 2018 trên 616 người bệnh cho thấy người được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch phối hợp với hóa trị có tỷ lệ sống sót khoảng 69,2% sau 12 tháng; trong khi đó nhóm bệnh nhân dùng giả dược phối hợp với hóa trị có tỷ lệ sống sót sau 12 tháng khoảng 49,4%.
Liệu pháp miễn dịch cũng được chứng minh hiệu quả trên người bệnh ung thư vú bộ 3 âm tính. Đây là loại ung thư phát triển nhanh, khoảng 40% người bệnh ung thư vú bộ ba âm tính giai đoạn 1 – 3 sẽ tái phát sau khi điều trị.
Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư gồm:
Kháng thể đơn dòng: được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bắt chước cách hoạt động của các kháng thể tự nhiên, nhận biết và gắn vào các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào ung thư để tiêu diệt chúng…
Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu: cách hoạt động tương tự kháng thể đơn dòng, kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên tham gia vào hoạt động nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể kết hợp liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu với hóa trị, xạ trị.
Có 2 loại liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu gồm thuốc thúc đẩy hệ miễn dịch tăng sinh các kháng thể có khả năng nhận diện và tiêu diệt tế bào ác tính, phù hợp với người bệnh ung thư thận, da; thuốc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Liệu pháp virus oncolytic: được phát triển trong phòng thí nghiệm, có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư.
Liệu pháp tế bào T: hoạt động bằng cách thay đổi gen trong tế bào bạch cầu (tế bào T) nhằm kích hoạt khả năng nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư, thường được chỉ định cho trẻ em mắc bệnh bạch cầu, người lớn mắc u lympho.
Chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: tế bào ung thư có khả năng bất hoạt tạm thời hệ thống miễn dịch để vượt qua vòng kiểm soát của hệ thống miễn dịch. Chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch ngăn chặn khả năng bất hoạt hệ thống miễn dịch của tế bào ung thư, từ đó giúp hệ thống miễn dịch nhận ra và tiêu diệt các tế bào ung thư, góp phần cải thiện hiệu quả điều trị bệnh ung thư.
Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch được dùng trong nhiều loại bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư bàng quang, ung thư đại trực tràng, ung thư vùng đầu và cổ, u lympho hodgkin…
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và mức độ đáp ứng của cơ thể, bác sĩ sẽ chỉ định cách thức đưa thuốc miễn dịch vào cơ thể người bệnh. Người bệnh có thể được tiêm – truyền qua đường tĩnh mạch hoặc buồng tiêm; uống thuốc miễn dịch dưới dạng viên. Một số loại thuốc miễn dịch trị ung thư da ở dạng gel, có thể bôi lên da.
Liệu trình, thời gian sử dụng liệu pháp miễn dịch phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, mức độ tiến triển và mức độ đáp ứng của cơ thể người bệnh. Sau mỗi kỳ điều trị, người bệnh có khoảng thời gian nghỉ ngơi, hồi phục và tái tạo các tế bào khỏe mạnh mới.
Dù ít gặp tác dụng phụ hơn so với hóa trị, người bệnh ung thư điều trị với liệu pháp miễn dịch có thể bị buồn ngủ, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, táo bón, giảm tế bào máu, nguy cơ hình thành huyết khối, rối loạn chức năng các cơ quan do phản ứng miễn dịch quá mức. Thai nhi có khả năng bị dị tật bẩm sinh nếu thai phụ dùng thuốc trong thời gian mang thai. Trong suốt quá trình điều trị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ các triệu chứng bất thường để được kiểm soát, xử trí phù hợp.